Dù làm trong ngành nhưng tôi phải thừa nhận rằng du lịch không phải là một nhu cầu chi tiêu thiết yếu của người dân, nó xếp sau những nhu cầu như ăn ngủ, tiêu dùng hàng ngày của họ. Do đó, chỉ khi người dân họ có tích lũy tài sản nhất định, thu nhập họ cao và đời sống dân trí cao lên, thì ở đó họ mới bắt đầu chi tiêu cho du lịch. Điều này thì Việt Nam lại đang có một điều kiện rất thuận lợi trong khu vực Đông Nam Á. Nhìn về bối cảnh Việt Nam trong khoảng 5 năm trở lại đây với sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, chúng ta đang trở thành một trung tâm kinh tế, trung tâm sản xuất của khu vực. Đặc biệt, chúng ta có một quy mô thị trường tiềm năng chỉ sau Indonesia với gần 100 triệu dân, trong đó theo dự báo có tới gần 30% dân số tới năm 2030 sẽ thuộc tầng lớp trung lưu mới với khả năng chi tiêu cao hơn. Do đó, tôi nghĩ không cần phải chứng minh tiềm năng của thị trường nội địa mà có thể khẳng định là vai trò của thị trường nội địa rất lớn, về cả quy mô và sức mua.
Vai trò và tiềm năng của thị trường khách Việt Nam cũng không phải là câu chuyện mới. Ở những năm trước đây khi mà trong nước chúng ta chưa có sự quan tâm đúng mức thì ở các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay là Singapore, Thái Lan đều có một sự quan tâm nhất định đến khách Việt. Họ đều lập văn phòng đại diện du lịch ở Việt Nam với nhiều chương trình xúc tiến và chiến lược riêng. Ngoài ra, theo nhiều báo cáo khác nhau trong những năm gần đây, chi tiêu của người Việt Nam khi đi nước ngoài tăng trưởng rất nhanh và khoản chi tiêu của họ cũng rất lớn. Đây cũng là một minh chứng cho thấy thị trường khách nội địa Việt Nam vẫn luôn là một thị trường màu mỡ, tiềm năng cho không chỉ đối với các doanh nghiệp và địa phương ở Việt Nam mà đối với cả các nước khác trên thế giới. Bài toán là chính doanh nghiệp và điểm đến Việt Nam phải có một sự nhìn nhận và tiếp cận khác để khai phá tiềm năng của khách nội địa.