Vừa phải tập trung pha chế, lại vừa lắng nghe và nói chuyện cùng khách hàng ngay trước mặt, các bartender khó mà tránh khỏi những lần sai sót. Có lúc họ lỡ làm đổ nước, có khi họ làm nhầm món khác,… nhưng theo Hữu Phú, chỉ cần bartender vẫn giữ được bình tĩnh và thái độ vui vẻ, lịch sự với khách thì họ sẽ nhẹ nhàng bỏ qua cho những trục trặc ấy. “Thỉnh thoảng, sẽ có những vị khách khó tính và có gu tới thử thách mình, đưa ra những yêu cầu rất mâu thuẫn về hương vị món nước.” Khi ấy, Phú sẽ cố gắng khai thác tất cả sở thích của khách để làm ra ly nước vừa vặn nhất với khẩu vị của họ.
Hiện tại, Hữu Phú đang tham gia nghiên cứu đồ uống cho một dự án tập trung vào các nguyên liệu và kỹ thuật của Việt Nam. Trong tương lai xa hơn, chàng trai trẻ sẽ truyền đạt những kiến thức mình có cho các bartender mới vào nghề. Phú cũng mong muốn mở được một thương hiệu riêng của mình. Còn Ngọc Vũ, hiện đang điều hành DOOZY Bar, sắp tới dự định sẽ khai trương quán bar và nhà hàng mới ở Sài Gòn.
Thế giới về đêm trong bar thường bị cho là xô bồ, phức tạp và đầy rẫy hiểm nguy. Dẫu vậy, theo Ngọc Vũ và Hữu Phú, phức tạp hay xô bồ phần lớn tùy thuộc vào lựa chọn và cách cư xử của bản thân. Có rất nhiều quán bar văn minh với những khách hàng lịch thiệp, dễ thương. Nếu chẳng may có vấn đề gì xảy ra thì bartender cần biết cách ứng biến phù hợp.
Để có thể đứng vững trong nghề, ngoài tình yêu nghề rất lớn, các bartender phải kiên trì tôi luyện sự linh hoạt, vị giác nhạy bén, kỹ năng nghiệp vụ lẫn nhiều kỹ năng mềm cũng như chăm chút ngoại hình. Bartender không chỉ là một nghề để kiếm sống mà còn như một môn nghệ thuật cho phép tự do sáng tạo, đồng thời cũng giống một môn học dạy người ta cách đối nhân xử thế, cách làm nhiều việc cùng một lúc hay cách cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân.