“Em là người sinh ra để làm ngành F&B, cô sẽ giới thiệu cho em đi làm luôn nhé,” giáo viên nói với anh Trương Quốc Quyền ngay ngày đầu tiên anh bước vào giảng đường của trường Saigontourist. Đã 14-15 năm trôi qua, anh Quyền vẫn đang chứng minh rằng cô giáo của mình năm ấy đã có sự quan sát tinh tường.
“Đột nhập” vào quán bar bí mật (speakeasy bar) mang tên UISQUE, Destination Review cảm nhận được tâm huyết của anh Quốc Quyền dành cho “chiếc tổ” của mình và sau đó được nghe anh kể về hành trình cùng những thành quả của “chàng trai sinh ra dành cho ngành F&B”.
Hồi còn nhỏ, mình từng xem hai bộ phim có phân cảnh về rượu vang. Dù đã quên mất tên phim nhưng mình vẫn còn nhớ như in vài tình tiết. Trong bộ phim của Hàn Quốc, những nhân vật nếm thử các mẫu rượu không có nhãn mác gì và nói chính xác mọi thông tin về loại rượu đó khiến mình rất tò mò.
Vài năm sau, lúc mình khoảng 13, 14 tuổi, mình xem một bộ phim của Ý về rượu vang. Theo đó, mùa thu là khoảng thời gian quyết định mùi vị rượu có đạt chuẩn hay không. Nếu thu trôi qua nhanh và mùa đông tới sớm, những chùm nho sẽ không đủ nắng để chín. Lúc này, người dân sẽ tập hợp vào lúc giữa đêm sau tiếng gõ chuông kêu gọi để chạy ra đồng, nơi đã chất sẵn những đống củi lớn. Họ đốt lửa lên, tận dụng chiều gió thổi để tạo đủ sức nóng cho vườn nho chín. Vào những ngày không có gió, họ dùng những chiếc quạt lớn và quạt cho vườn nho. Hình ảnh đó khắc sâu trong đầu mình bởi quá trình làm ra một chai rượu quá sức kỳ công.
Với hứng thú sẵn có về rượu, mình đã chọn học ngành F&B tại trường Saigontourist. Vừa vào học, giáo viên đã nhận ra khả năng của mình và giới thiệu công việc cho mình. Trong năm đầu tiên, mình vừa học vừa làm nhân viên phục vụ bán thời gian cho các tiệc cưới tại nhiều khách sạn lớn ở Sài Gòn như Caravelle, Sheraton, Rex, Continental,… Chỉ sau một thời gian ngắn, mình đã được đưa lên làm trưởng nhóm, rồi tự lập một đội riêng để nhận tiệc. Mình tự lên layout (cách bố trí) cho bữa tiệc, tìm nhân sự làm chung và hợp tác với Saigon Catering, công ty chuyên tổ chức sự kiện lớn nhất Sài Gòn lúc bấy giờ.
Mình may mắn được gia đình hậu thuẫn về tài chính, nên lý do mình chọn đi làm thêm là vì đam mê với công việc và muốn phát triển bản thân trên chính con đường này. Tổng số tiền nhận được sau thời gian làm việc lúc đó của mình quả là một con số không tưởng đối với một chàng sinh viên năm nhất ở thời điểm cách đây 14 năm!
Sang năm 2, mình chính thức làm cho một cơ sở của Saigon Catering ở trường đại học RMIT. Làm phục vụ một thời gian, mình có cảm hứng và cơ hội trải nghiệm với công việc Barista (pha chế cà phê) và nhanh chóng được cất nhắc vào vị trí đứng chính ở quầy sau thời gian ngắn thử việc. Đồng thời, tại RMIT, thứ Sáu hàng tuần được gọi là Happy day (ngày hạnh phúc), các thầy cô sẽ tụ họp lại và cùng nhau uống rượu. Nhờ đó, mình được pha chế các thức uống dùng rượu vào ngày này và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn về thứ đã làm mình tò mò từ ngày còn bé.
Sau khi tốt nghiệp trường Saigontourist, tuy có tiếc quãng thời gian làm việc cũng như môi trường và con người tại Saigon Catering nhưng mình vẫn chọn chia tay nơi ấy và dành ra 3 tháng theo học Bartender (pha chế rượu) để quyết tâm đi theo đúng đam mê của bản thân.
Có trong tay bằng cấp về F&B lẫn Bartender, mình vào làm cho quầy bar của Continental. Tuy nhiên, ngành F&B trong khách sạn hơi gò bó với mình, mình thích môi trường tự do hơn với luật chơi và thế giới riêng của nó. Sau đó mình lại có thêm những bước chuyển mình mới và có sức ảnh hưởng lớn hơn trong sự nghiệp.
Cuối năm 2010, lúc bước chân vào Bobby Chinn, lounge nổi tiếng chất lượng vào thời điểm đó, mình nhớ mãi hình ảnh một thanh niên đi xin việc nhưng chẳng hề để tâm gì tới mức lương hay chính sách đãi ngộ mà chỉ chăm chăm nhìn quầy rượu như bị thôi miên. Đảm nhận vị trí bar back (nhân viên phụ pha chế), mình mất 2 ngày để hòa nhập và chỉ 2 tuần để trở thành nhân viên chính thức, nhưng thay vì thành Bartender thì mình được cất nhắc cho vị trí Captain (tổ trưởng pha chế). Và sau 6 tháng, với năng lực, nỗ lực và may mắn, mình bước lên vị trí trưởng bar, thay thế anh trưởng bar ra nước ngoài định cư cùng gia đình.
Có thể nói làm cho Bobby Chinn chính là bước ngoặt của cuộc đời mình. Mình học được rất nhiều ở đây. Tưởng chừng như sẽ gắn bó thật nhiều năm nhưng Bobby Chinn sau đó đã bị chuyển nhượng thương hiệu, không còn phù hợp với mình nữa. Cũng từ lúc này, mình bị mất phương hướng, chìm nổi trong ngành và cảm thấy sẽ không tìm được chỗ làm tốt như Bobby Chinn.
Mình từng có suy nghĩ bỏ nghề. Tuy nhiên, mình không biết nên làm gì khác vì ngại phải bắt đầu mọi thứ lại từ đầu. Hơn nữa, mình đang làm tốt thứ mình thích và làm việc mình giỏi nhất thì tại sao lại bỏ nó?! Trong đầu mình giờ chỉ chứa rượu, liệu đặt cái khác vô thì có được không? Vật vờ một thời gian, mình luôn tin sẽ tìm được nơi dành cho mình. Tới tháng 6/2015, mình may mắn gặp được nhà thiết kế nội thất Thái Công và dự án nhà hàng của anh ấy. Mình tham gia quá trình thiết kế, bài trí mọi thứ và vận hành từ quầy bar tới nhà bếp trong 6 năm.
Làm việc cho nhà hàng của Thái Công đã góp phần định hình phong cách châu Âu của mình vững chắc hơn. Nơi đây giống như bước đệm để mình làm được nhiều thứ hơn, đơn cử như việc ra mắt speakeasy bar mang tên UISQUE vào tháng 8/2022, điều mình ấp ủ từ 5 năm trước. Mình săn lùng khắp nơi những vật dụng trang trí độc đáo, hiếm có cho “đứa con” của mình. Ở đây, mình không bán rượu mà dùng rượu để kể nên những câu chuyện.
Đối với người bar trưởng (head bar) đầu tiên của mình tại trường RMIT, mình học được sự chỉn chu, sẵn sàng đổ bỏ một ly nước chưa đạt chuẩn và làm lại một ly mới chứ không điều chỉnh. Còn bar trưởng tiếp theo của mình ở Bobby Chinn là một bartender lão làng, luôn theo quy chuẩn. Ban đầu, anh ấy khá khắt khe nhưng sau khi nhận thấy sự sáng tạo và thấu hiểu tâm lý khách hàng của mình hiệu quả, anh trở nên hòa nhã hơn và không hề ngần ngại học hỏi thêm từ một người mới như mình. Mình rất nể điều đó. Sau này, theo tinh thần của anh, mình cũng thích học từ các bạn nhân viên, những cánh tay nối dài giúp hiểu biết và sức sáng tạo của mình gia tăng. Bộ não chúng ta có giới hạn mà nên thấy gì hay thì cứ tiếp thu thôi!
Cách đây khoảng 5 năm, mình bắt đầu đi dạy ở trường Hướng nghiệp Á Âu, như một cách đền đáp những gì mà những người thầy cho mình trước đây. Mỗi khi lên lớp, mình tự nhủ là bản thân phải đạt nguồn năng lượng cao nhất, thể trạng tốt nhất để có thể truyền lửa cho các bạn. Nếu không, mình sẽ không dạy vì khi ấy, các bạn sẽ không nhận được những thứ tốt nhất mà mình cần và muốn trao đi.
Mình không thấy bản thân phải đánh đổi gì. Làm bar, mình thường xuyên phải thức vào ban đêm nhưng vẫn luôn cố gắng sinh hoạt một cách khoa học. Mình ngủ từ 6-8 tiếng/ngày, kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm soát lượng rượu uống vào người, tập thể dục, chơi thể thao, tính toán khẩu phần ăn,… Không ép buộc cơ thể nên mình nghĩ mình đủ sức để làm bar thêm nhiều năm nữa. Mình thường nói với mẹ là sẽ làm nghề này tới già. Vào dịp Tết, mình cũng không làm việc vì mình rất coi trọng việc đoàn viên với gia đình trong dịp lễ truyền thống này.
Mình nhận được nhiều giá trị khi theo đuổi công việc về đêm này. Mình được gia đình tin tưởng và trao quyền quyết định nhiều thứ, đặc biệt là ý tưởng cho các dịp tụ tập của gia đình, họ hàng. Mình được nhiều người trân trọng và tôn trọng, trong đó có những doanh nhân, những người có chức vị cao trong các doanh nghiệp và xã hội. Mình theo đuổi phong cách người kể chuyện nên mỗi ly cocktail của mình đều có một câu chuyện riêng mà khách hàng tìm tới để lắng nghe. Mình đã gặp được những vị khách tới quán chỉ để trò chuyện với mình và uống nước mình pha, giống những gì một giáo viên từng nói.
Nghề bartender thực ra không khó như nhiều người nghĩ. Chỉ cần đam mê và sáng tạo, bạn sẽ thành công. Đam mê với mình là sẵn sàng thay đổi thói quen vì khách hàng.
Mình có một khách quen là phi công. Mỗi lần tới quán, ông phải ngồi đúng vị trí đó và uống món nước do mình pha chế. Biết ông mắc chứng tâm lý sợ thay đổi, mình đã xin lịch trình bay của ông để đảm bảo luôn có mặt ở quán khi người khách này ghé tới. Kỹ năng và chuyên môn cứ chăm chỉ bồi dưỡng, lâu dần sẽ có.
Nếu bạn thực sự muốn làm bartender, hãy cứ làm, đừng chần chừ và nghi ngờ gì cả!
#Twist&Turn là chuyên mục kể lại hành trình phát triển sự nghiệp với những bước ngoặt nổi bật của nhân sự trong ngành du lịch.